abbycard

Hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp và những điều bạn cần biết

Theo quy định mới nhất, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh có thu nhập chịu thuế thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Vậy Hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp như thế nào? Cùng theo dõi chi tiết trong bài viết dưới đây.

1. Khái niệm về thuế thu nhập doanh nghiệp

Hiện nay, chưa có một khái niệm cụ thể về thuế thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN). Tuy nhiên, dựa theo các quy định như luật thuế thu nhập doanh nghiệp, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành thì chúng ta có thể hiểu thuế TNDN như sau:

Thuế TNDN là loại thuế trực thu, đánh vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác theo quy định của pháp luật.

Để tìm hiểu rõ về thuế TNDN chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm các khái niệm quan trọng liên quan tới loại thuế này.

2.Thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân 2008, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi 2013, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế 2014. Các khoản thu nhập phải chịu thuế TNDN gồm:

2.1. Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ

Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ là những thu nhập đến từ hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng cho thị trường. Lưu ý hàng hoá, dịch vụ phải được đăng ký mã ngành nghề với cơ quan nhà nước và đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh (nếu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện).

2.2. Các khoản thu nhập khác

Về các khoản thu nhập khác, căn cứ vào điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 12/2015/NĐ-CP, thu nhập chịu thuế bao gồm:

– Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm:

+ Thu nhập từ việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp, chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn

+ Các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật;

– Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định 218/2013/NĐ-CP.

– Thu nhập từ quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ, thu nhập từ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật.

– Thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản (trừ bất động sản), trong đó có các loại giấy tờ có giá khác.

– Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ, bao gồm:

+ Lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật bao gồm cả tiền lãi trả chậm, lãi trả góp, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn;

+ Thu nhập từ bán ngoại tệ;

+ Khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính;

+ Khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ (riêng chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập mà tài sản cố định này chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính).

Đối với khoản nợ phải thu, khoản cho vay có gốc ngoại tệ phát sinh trong kỳ thì chênh lệch tỷ giá hối đoái của các khoản nợ phải thu, khoản cho vay này là khoản chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái tại thời điểm thu hồi nợ với tỷ giá hối đoái tại thời điểm ghi nhận khoản nợ phải thu hoặc khoản cho vay ban đầu;

– Các khoản trích trước vào chi phí nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết theo kỳ hạn trích lập mà doanh nghiệp không hạch toán điều chỉnh giảm chi phí;

– Khoản nợ khó đòi đã xóa nay đòi được;

– Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ;

– Khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót phát hiện ra;

– Chênh lệch giữa thu về tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế hoặc thưởng do thực hiện tốt cam kết theo hợp đồng (không bao gồm các khoản tiền phạt, tiền bồi thường được ghi giảm giá trị công trình trong giai đoạn đầu tư) trừ (-) đi khoản bị phạt, trả bồi thường do vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật;

– Các khoản tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật nhận được;

– Chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhận tài sản được hạch toán theo giá đánh giá lại khi xác định chi phí được trừ  theo quy định của pháp luật;

– Thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam;

– Các khoản thu nhập khác bao gồm cả thu nhập được miễn thuế quy định tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 4 Nghị định này.

3. Tài khoản sử dụng hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp

Tài khoản sử dụng hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp là TK 3334

a) Nội dung: Tài khoản này phản ánh khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp và tình hình tăng, giảm khoản thuế đó.

b) Kết cấu:

Bên Nợ:

– Nộp thuế TNDN vào NSNN

– Số thuế TNDN tạm nộp lớn hơn số thuế TNDN phải nộp

Bên Có:

– Số thuế TNDN phải nộp

– Số thuế TNDN tạm nộp nhỏ hơn số thuế TNDN phải nộp

Số dư: Tài khoản này có thể có số dư bên Nợ hoặc số dư bên Có

– Số dư bên Nợ: Số thuế TNDN đã nộp lớn hơn số thuế TNDN phải nộp

– Số dư bên Có: Số thuế TNDN còn phải nộp cuối kỳ.

4. Đối tượng phải nộp thuế TNDN và các đối tượng được miễn thuế

4.1.Đối tượng phải nộp thuế TNDN:

Đối tượng phải nộp thuế TNDN là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định, bao gồm:

– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

– Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã;

– Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam

– Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

Như vậy, tất cả các doanh nghiệp được thành lập và có trụ sở ở Việt Nam hoặc các doanh nghiệp nước ngoài có phát sinh thu nhập ở Việt Nam đều là đối tượng nộp thuế TNDN.

hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp

Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập chịu thuế

4.2. Trường hợp được miễn thuế

Theo điều 17 và Điều 18 chương IV, luật thuế Thu nhập Doanh nghiệp quy định:

“Điều 17: Miễn thuế, giảm thuế cho dự án đầu tư thành lập cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh di chuyển địa điểm

– Dự án đầu tư thành lập cơ sở kinh doanh mới thuộc ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư, hợp tác xã được áp dụng thuế suất 20%, 15%, 10%. học kế toán thực tế ở đâu hà nội

– Dự án đầu tư thành lập cơ sở kinh doanh mới thuộc ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư và cơ sở kinh doanh di chuyển địa điểm theo quy hoạch, cơ sở kinh doanh di chuyển đến địa bàn khuyến khích đầu tư được miễn thuế tối đa là bốn năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa là chín năm tiếp theo.

Chính phủ quy định cụ thể ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn được khuyến khích đầu tư; mức thuế suất và thời gian áp dụng đối với từng ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn được khuyến khích đầu tư; mức và thời gian miễn thuế, giảm thuế quy định tại Điều này.

Điều 18. Miễn thuế, giảm thuế đối với cơ sở kinh doanh đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất

Cơ sở kinh doanh đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mang lại tối đa là bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa là bảy năm tiếp theo.

Chính phủ quy định cách xác định thu nhập tăng thêm do đầu tư mang lại và thời gian miễn thuế, giảm thuế cho từng trường hợp quy định tại Điều này.”

5. Cách định khoản thuế thu nhập doanh nghiệp

a) Khi tính thuế TNDN

Nợ TK 821 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp

Có TK 3334 – thuế thu nhập doanh nghiệp.

b) Khi nộp tiền thuế TNDN vào Ngân sách Nhà nước

Nợ TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp

Có TK 111, 112

c) Cuối năm, khi xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm tài chính:

Nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp nhỏ hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp hàng quý trong năm, thì ghi số chênh lệch:

Nợ TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp

Có TK 821 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp  (8211)

Nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp lớn hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng quý trong năm, thì số chênh lệch phải nộp thiếu, ghi:

Nợ TK 821 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (8211)

Có TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Khi thực nộp số chênh lệch thiếu về thu nhập doanh nghiệp và Ngân sách Nhà nước, ghi:

Nợ TK 3334 – Thuế thu nhập doanh nghiệp

Có TK 111, 112

d) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí thuế thu nhập hiện hành, ghi:

Nếu TK 8211 có số phát sinh Nợ lớn hơn số phát sinh Có thì số chênh lệch, ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

Nếu TK 8211 có số phát sinh Nợ nhỏ hơn số phát sinh Có thì số chênh lệch, ghi:

Nợ TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp

Cần xác định thu nhập tính thuế chính xác

Để tính thuế thu nhập doanh nghiệp chính xác, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến các yếu tố doanh thu, chi phí, các khoản giảm trừ, thu nhập khác,… nhằm xác định được phần thu nhập tính thuế, tránh thừa thiếu gây tổn thất cho công ty, và tất nhiên những khoản này phải có minh chứng bằng hóa đơn chứng từ thì mới được ghi nhận. Trong thời buổi công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp đã dễ dàng hơn trong việc quản lý các nguồn doanh thu, chi phí nhờ sử dụng phần mềm tiện ích hỗ trợ quản lý giúp thu thập và xử lý thông tin chính xác, nhanh chóng đưa ra báo cáo, lưu giữ hóa đơn từ đó xác định thu nhập, khoản thuế phải nộp.

6. Thời hạn khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

  • Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý: Chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

Lưu ý: Hiện nay, doanh nghiệp không phải nộp tờ khai thuế thu nhập doanh doanh nghiệp tạm tính hàng quý. Căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh, thì doanh nghiệp tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (Theo Điều 17 Thông tư 151/2014/TT0-BTC).

  • Thời hạn nộp sơ quyết toán thuế năm: Chậm nhất là ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính (thường sẽ là ngày 31/3 hàng năm – nếu không trùng ngày nghỉ).

7. Các khoản chi được trừ khi tính thuế

Theo Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 119/2014/TT-BTC và Thông tư 96/2015/TT-BTC), các khoản chi được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
– Doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ 03 điều kiện
+ Điều kiện 1 – Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
+ Điều kiện 2 – Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
+ Điều kiện 3 – Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

8. Các khoản chi không được trừ

Theo khoản 2 Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) những khoản chi không được trừ khi tính thuế gồm:

  • Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện được trừ, trừ phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường;
  • Khoản tiền phạt do vi phạm hành chính;
  • Khoản chi được bù đắp bằng nguồn kinh phí khác;
  • Phần chi phí quản lý kinh doanh do doanh nghiệp nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam vượt mức tính theo phương pháp phân bổ do pháp luật Việt Nam quy định;
  • Phần chi vượt mức theo quy định của pháp luật về trích lập dự phòng;
  • Phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay;
  • Khoản trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định của pháp luật;
  • Khoản trích trước vào chi phí không đúng quy định của pháp luật;
  • Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập viên doanh nghiệp không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh; tiền lương, tiền công, các khoản hạch toán chi khác để chi trả cho người lao động nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật;
  • Phần chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu;
  • Phần thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ, thuế giá trị gia tăng nộp theo phương pháp khấu trừ, thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Khoản tài trợ, trừ khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai, làm nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà cho các đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật, khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
  • Phần trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động vượt mức quy định theo quy định của pháp luật;
  • Các khoản chi của hoạt động kinh doanh: Ngân hàng, bảo hiểm, xổ số, chứng khoán và một số hoạt động kinh doanh đặc thù khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

9. Mức thuế suất ưu đãi

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, tuy nhiên với một số vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc ngành nghề mới mà Nhà nước khuyến khích đầu tư thì doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi về thuế.
Trường hợp 1: Thuế suất ưu đãi 10%
* Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm
Khoản 1 Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 96/2015/TT-BTC), mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm được áp dụng với:
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại: Địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; khu kinh tế, khu công nghệ cao kể cả khu công nghệ thông tin tập trung.
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao.
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm: Thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải…
– Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao.
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:
+ Dự án có quy mô vốn đầu tư đăng ký lần đầu tối thiểu 6 nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 03 năm kể từ thời điểm được phép đầu tư lần đầu và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10 nghìn tỷ đồng/năm…
+ Dự án có quy mô vốn đầu tư đăng ký lần đầu tối thiểu 6 nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 03 năm kể từ thời điểm được phép đầu tư lần đầu và sử dụng thường xuyên trên 3.000 lao động…
* Thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động
– Phần thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường, giám định tư pháp.
– Phần thu nhập của hoạt động xuất bản của Nhà xuất bản.
– Phần thu nhập từ hoạt động báo in của cơ quan báo chí.
– Phần thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua với doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư (theo quy định tại Điều 53 Luật nhà ở 2014).
– Thu nhập của doanh nghiệp từ: Trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn kinh tế xã hội khó khăn…
– Phần thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không thuộc địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn và địa bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Trường hợp 2: Thuế suất ưu đãi 15%
– Thuế suất ưu đãi 15% áp dụng với thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Trường hợp 3: Thuế suất ưu đãi 20%
* Thuế suất ưu đãi 20% trong 10 năm (từ ngày 1/1/2016 chuyển sang mức 17%)
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới: Sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
* Thuế suất ưu đãi 20% trong suốt thời gian hoạt động (từ ngày 1/1/2016 chuyển sang mức 17%)
– Được áp dụng đối với Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng hợp tác xã và Tổ chức tài chính vi mô.

Trên đây là cách kế toán hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích!

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *