abbycard

Hợp đồng hợp tác giữa các cá nhân kinh doanh đúng quy định

Hợp tác giữa các cá nhân kinh doanh giúp các bên tiết kiệm được chi phí tiền bạc, công sức và kinh doanh hiệu quả hơn. Cùng tìm hiểu chi tiết về Hợp đồng hợp tác giữa các cá nhân kinh doanh đúng quy định trong bài viết dưới đây.

1. Hợp đồng hợp tác kinh doanh là gì?

Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận của các nhà đầu tư về việc đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định mà không thành lập một tổ chức kinh tế. Như vậy có thể hiểu rằng hợp đồng hợp tác được kí kết bởi ít nhất 2 bên vì mục đích hợp tác cùng phát triển của các đối tác.

2. Đặc trưng của hợp đồng hợp tác

Nội dung hợp đồng hợp tác được xây dựng giúp các bên liên kết, hỗ trợ với nhau để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh để thu lợi nhuận. Khác với các hình thức hợp tác khác các bên cùng góp vốn để hình thành nên tổ chức kinh tế thì ở hình thức này các bên gắn kết với nhau bằng thỏa thuận hợp đồng

Hợp đồng hợp tác mang tính song vụ. Tức trong quá trình thực hiện hợp đồng thì quyền bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại

Hình thức hợp đồng hợp tác pháp luật không có quy định bắt buộc bằng văn bản hay miệng. Tuy nhiên trên thực tiễn thì các bên thường ký kết hợp đồng bằng hình thức văn bản để thể hiện rõ ràng ý chí của các bên, tránh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận của các nhà đầu tư

Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận của các nhà đầu tư

3. Chủ thể hợp đồng hợp tác kinh doanh

Xuất phát từ mục đích của hợp đồng hợp tác nên pháp luật quy định chủ thể của hợp đồng hợp tác là nhà đầu tư.

– Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh bao gồm: Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

– Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông hoặc thành viên

– Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức kinh tế được thành lập theo pháp luật nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam

– Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông hoặc thành viên

– Các nhà đầu tư có thể có thể hợp tác song phương hoặc đa phương khi ký kết và thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh. Các chủ thể này có vị trí bình đẳng với nhau, có lợi ích chung khi tham gia vào hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Về nguyên tắc thì mọi nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài đểu trở thành chủ thể hợp đồng hợp tác, nếu không rơi vào trường hợp Luật cấm. Tuy nhiên, trong trường hợp luật chuyên ngành có quy định riêng về chủ thể hợp tác kinh doanh, thì chủ thể hợp đồng phải tuân thủ các quy định đó.

4. Nội dung cơ bản của hợp đồng hợp tác theo quy định của pháp luật

Hợp đồng hợp tác có các nội dung chủ yếu sau:

Về mục đích, thời hạn hợp tác

Mục đích là các lợi ích mà chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác hướng tới. Việc quy định mục đích sẽ giúp định hướng việc sử dụng tài sản. Cùng thực hiện công việc hướng đến mục đích này; Thời hạn hợp tác là khoảng thời gian các chủ thể cùng góp sức, cùng sử dụng tài sản để thực hiện công việc hợp tác chung.

Về họ, tên, nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của pháp nhân

Tham gia hợp đồng hợp tác bao gồm cá nhân và pháp nhân. Do đó, nếu thành viên là cá nhân thì các chủ thể phải ghi nhận rõ ràng họ, tên và nơi cư trú; nếu thành viên là pháp nhân thì phải ghi rõ tên, trụ sở của pháp nhân. Việc ghi nhận rõ các thông tin của chủ thể để tránh trường hợp nhầm lẫn trong xác định thành viên hợp tác.

Về tài sản đóng góp

Các chủ thể có thể đóng góp tài sản hoạt động hợp tác nên hợp đồng phải ghi nhận rõ ràng tài sản đóng góp là tài sản nào, có giá trị bao nhiêu. Việc ghi nhận cụ thể tài sản đóng góp là cơ sở xác định giá trị tài sản hợp tác và định hướng việc sử dụng tài sản phù hợp với công việc hợp tác. Mức đóng góp tài sản của các thành viên là ngang bằng hoặc được xác định theo tỷ lệ khác nhau. Tỷ lệ đóng góp tài sản giữa các thành viên hợp tác là căn cứ pháp lý quan trọng để xác định việc phân chia lợi nhuận sau này giữa các chủ thể của hợp đồng.

 Đóng góp bằng sức lao động

Chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác có thể đóng góp bằng sức lao động của mình. Trong nội dung hợp đồng phải ghi nhận rõ chủ thể nào đóng góp bằng sức lao động và quá trình sử dụng lao động vào công việc hợp tác như thế nào.

Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức

Hoa lợi, lợi tức là các lợi ích thu được từ quá trình thực hiện công việc hợp tác. Tránh tranh chấp xảy ra giữa các chủ thể, hợp đồng hợp tác cần ghi rõ phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức cho từng chủ thể. Việc phân chia hoa lợi, lợi tức thường được xác định trên cơ sở tỷ lệ đóng góp sức lao động, tài sản của từng chủ thể trừ trường hợp các chủ thể trong hợp đồng xác định phương thức khác để phân chia.

Về quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác

Khi tham gia vào hợp đồng hợp tác, từng thành viên có các quyền, nghĩa vụ nhất định. Phạm vi các quyền, nghĩa vụ của từng thành viên hợp tác được xác định theo nội dung ghi nhận trong hợp đồng.

Về quyền, nghĩa vụ của người đại diện

Tham gia vào hợp đồng hợp tác gồm nhiều cá nhân, pháp nhân. Để thuận lợi cho quá trình thực hiện hợp đồng, đặc biệt khi tham gia giao kết hợp đồng với một chủ thể khác, các thành viên có thể cử một người đại diện cho các thành viên hợp tác.; Tránh trường hợp vượt quá phạm vi thẩm quyền hoặc thực hiện không đúng thẩm quyền của mình, hợp đồng hợp tác cũng phải được ghi nhận phạm vi quyền, nghĩa vụ của người đại diện cho các thành viên hợp tác.

Về điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của các thành viên

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, dưới sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nhiều chủ thể có thể muốn tham gia vào hợp đồng hợp tác hoặc nhiều thành viên hợp tác muốn rút khỏi hợp đồng. Do đó, trong hợp đồng hợp tác cần quy định cụ thể các điều kiện tham gia hoặc rút khỏi để việc tham gia hoặc không tham gia của thành viên hợp tác không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của việc hợp tác.

Về điều kiện chấm dứt hợp tác

Hợp đồng hợp tác cũng như các hợp đồng dân sự khác, hợp đồng có thể chấm dứt trong các điều kiện nhất định. Do đó, hợp đồng hợp tác nên quy định cụ thể các điều kiện để chấm dứt việc hợp tác giữa các thành viên hợp tác. Điều kiện chấm dứt việc hợp tác có thể là nền tảng để xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng hợp tác.

Kết luận

Về cơ bản, hợp tác kinh doanh không chỉ giúp cho các cá nhân có thêm nguồn vốn, tìm được một nguồn lực, đối tác để cả hai bên cùng phát triển, hoạt động này còn giúp mở rộng thị trường kinh doanh giúp thúc đẩy kinh tế.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *